Huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn đủ điều kiện đạt chuẩn NTM
Tác giả: Thúy Hằng .Ngày đăng: 16/01/2016 .Lượt xem: 1001 lượt.
Sau khi thực hiện chuyến khảo sát, kiểm tra một số tiêu chí NTM tại các xã Điện Thắng Nam, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Bắc, Điện Trung, Điện Phong và làm việc với UBND xã Điện Quang để nghe báo cáo công tác xây dựng NTM của xã trong thời gian qua; chiều ngày 14/1, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo trung ương về xây dựng NTM do ông Tăng Minh Lộc –Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh để thẩm tra hồ sơ, đánh giá xét công nhận huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Tham dự và đồng chủ trì có đồng chí Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh.

Ông Tăng Minh Lộc cùng Đoàn công tác khảo sát vùng chuyên canh rau màu tại xã Điện Quang

Theo báo cáo tại buổi làm việc, thị xã Điện Bàn có 13 xã thực hiện xây dựng NTM; trong đó số xã đạt chuẩn NTM theo quy định là 10/13 xã, đạt tỷ lệ 77%. Tổng kinh phí xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 là hơn 1,256 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp là hơn 130 tỷ đồng. Qua 5 năm xây dựng NTM, đến nay, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi, kênh mương được kiên cố hóa, bê tông hóa, đảm bảo yêu cầu; 100% hộ dùng điện thường xuyên đạt tiêu chuẩn an toàn; có 46 trường ở cả 3 cấp học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 100%; …tỷ lệ hộ nghèo ở các xã giảm còn 3,61%, giảm 5,58% so với năm 2011; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt hơn 96%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 63%; toàn thị xã có 20 HTX, 3 THT, 3 quỹ tín dụng nhân dân, hoạt động hiệu quả; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt hơn 73%; các tiêu chí về môi trường, văn hóa-thể thao, an ninh được đảm bảo, đạt yêu cầu; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là hơn 26,4 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 11 triệu đồng/ người.năm so với năm 2011; cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng tích cực; giá trị sản xuất trên 01 ha đất nông nghiệp bình quân đạt hơn 95 triệu đồng/ha; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được tăng lên; hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường...

Quang cảnh buổi làm việc

Đối với huyện Phú Ninh, tổng kinh phí xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 là 1,128 nghìn tỷ đồng.  Sau 5 năm triển khai xây dựng NTM từ huyện đến cơ sở đã đạt được những kết quả nhất định,  đời sống cư dân nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, số xã đạt chuẩn NTM là 8/10 xã, bình quân tiêu chí đạt được của một xã là 18,6 tiêu chí/xã. Qua 5 năm, toàn huyện đã bê tông và nhựa hóa hơn 100% đường liên xã; bê tông hóa hơn 75% trục chính giao thông nội đồng; 100% tỷ lệ hộ dùng điện thường xuyên và an toàn; toàn huyện có 33/33 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; 9/10 xã có nhà văn hóa và khu thể thao xã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, hoạt động có hiệu quả; tổng giá trị sản xuất đạt 4.226 tỷ đồng, tăng bình quân 17,11%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015 giảm xuống còn 3,55%...

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác đã đánh giá chi tiết những ưu điểm, tồn tại trong quá trình thực hiện của 2 địa phương, đồng thời góp ý bổ sung một số nội dung quan trọng như: cần thực hiện hồ sơ thẩm định cụ thể, chi tiết hơn, nêu rõ những thành tích nổi bật, bổ sung các hình ảnh minh họa phong phú, đa dạng, chuẩn bị thêm phim tài liệu ngắn về quá trình xây dựng NTM tại cơ sở, bổ sung văn bản góp ý chi tiết của các Sở, Ban, ngành...

Kết luận tại buổi làm việc, ông Tăng Minh Lộc- Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của chính quyền, nhân dân 2 địa phương, mặc dù xuất phát điểm thấp, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc nhưng đã khắc phục và đạt kết quả tốt. Qua quá trình thẩm tra, khảo sát cơ sở, ông Tăng Minh Lộc cho biết huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn đủ điều kiện để đạt chuẩn NTM.


Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Quảng Nam