Thông báo về việc chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ từ ngày 23-28/11/2017
Tác giả: Kinh te Dien Ban .Ngày đăng: 23/11/2017 .Lượt xem: 782 lượt.
Thực hiện Công văn số 188/BCHPCTT&TKCN ngày 22/11/2017 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam và Tin cảnh báo lũ số 01-04/CBL-ĐKTTVQN. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp hoạt động của đới gió Đông trên cao; Vì vậy, nhiều khả năng các địa phương Quảng Nam sẽ xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng. Thời gian mưa kéo dài từ 3 - 5 ngày.

Cảnh báo: Từ đêm (22/11/2017) đến ngày (26/11/2017) các sông trên địa bàn Quảng Nam nhiều khả năng xuất hiện một đợt lũ lớn. Đỉnh lũ trên các sông có khả năng như sau:

          - Trên sông Vu Gia ở mức xấp xỉ hoặc trên báo động III.

          - Trên sông Thu Bồn ở mức báo động II đến báo động III.

          Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND thị xã về chuẩn bị ứng phó với mưa lớn xãy ra. Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn. Ban CHPCT và TKCN thị xã đề nghị.

          1. Các ban ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục thực hiện Thông báo số 09/TB-BCHPCTT&TKCN ngày 20/11/2017 của BCH PCTT&TKCN thị xã

          2. Chủ tịch UBND và BCH PCTT&TKCN các xã/phường:

          - Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh.

          - Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng ven sông, vùng trũng thấp, các xã có đường sắt, đường cao tốc đi qua (đặc biệt tại các vị trí có khả năng có dòng nước chảy xiết tại các cống qua đường, cống chui dân sinh); sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cấp thiết thực hiện sơ tán, di dời nhân dân đến nơi an toàn khi có các tình huống xấu xảy ra;

          - Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, cương quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm, nơi dễ sạt lở;

          - Tổ chức cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm để nhân dân biết và chủ động phòng tránh;

          - Nghiêm cấm, các đò ngang, đò dọc hoạt động trên các sông và các nơi ngập lũ sâu để chuyên chở người, hàng hóa;

          - Nghiêm cấm việc vớt củi, đánh bắt cá, trên sông, trên các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết;

          - Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công dỡ dang biết thông tin về tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và các phương tiện;

          - Rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường;

          - Kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ;

          3. Phòng Quản lý đô thị:

          Phối hợp với các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục ngay các điểm bị sạt lở, bảo đảm thông tuyến, đi lại an toàn sau khi nước rút.

          4. Phòng Giáo dục chỉ đạo cho các trường học chủ động quyết định cho học sinh nghỉ học tùy tình hình thực tế diễn biến của tình hình mưa lũ.

          5. Các phòng ban của thị xã theo dõi tình hình diễn biến của mưa lũ có phương án ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được phân công;

          6. Đài Phát thanh - Truyền hình thị xã phối hợp Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thị xã thường xuyên đưa tin về diễn biến mưa lũ và công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ của các xã/phường để nhân dân chủ động phòng tránh.

          7. Các lực lượng Quân sự, Công an, lực lượng cứu nạn, cứu hộ duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.

          8. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thị xã, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các xã/phường, ban ngành, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục; thường xuyên báo cáo về UBND thị xã, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thị xã theo dõi, chỉ đạo (thông qua địa chỉ email Phòng Kinh tế thị xã: phongkinhtedienban@gmail.com  ./.