Hôm qua 21.11, tại Bảo tàng Quảng Nam, Trung tâm UNESCO tại Việt Nam đã trao tặng 184 hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn các thời Đinh, Lê, Lý, Trần. Ảnh: LÊ QUÂN
Vận động hiến tặng hiện vật
Hiến tặng hiện vật cho bảo tàng là nét mới trong công tác bảo tàng ở nhiều địa phương trong nước những năm gần đây. Trong năm 2013, người dân và du khách mãn nhãn với bộ sưu tập đèn cổ của nhà sưu tập trẻ Lê Công Anh Đức (TP.Hồ Chí Minh) tặng Bảo tàng Điện Bàn. Bà Đinh Thị Hiệp - công tác tại Bảo tàng Điện Bàn chia sẻ, ngay khi biết được gia đình anh Lê Công Anh Đức có ý định tặng lại bộ sưu tập của con trai mình cho bảo tàng, bà đã nhiều lần vào TP.Hồ Chí Minh thuyết phục gia đình mang bộ sưu tập này về quê hương. Gần 500 chiếc đèn cổ đang được trưng bày tại Bảo tàng Điện Bàn đã tạo điểm nhấn cho không gian này. Tính đến nay, Bảo tàng Điện Bàn đã vận động được khá nhiều cá nhân, tổ chức tại quê hương cũng như các nhà sưu tập đang lưu giữ các hiện vật liên quan đến Điện Bàn hiến tặng cho bảo tàng. Điện Bàn cũng đang tổ chức sưu tầm hiện vật về Mẹ Việt Nam anh hùng và phụ nữ Điện Bàn trong thời chiến.
Ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm nay, lần đầu tiên Sở VH-TT&DL tổ chức phát động ở quy mô lớn, phạm vi toàn tỉnh và trên cả nước về hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam và Bảo tàng Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại Trung tâm VH-TT tỉnh. Được biết, trước mắt đã có 3 tổ chức đăng ký tặng hiện vật cho tỉnh Quảng Nam. Cụ thể, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ tặng tượng đồng Tổng đốc Hoàng Diệu; Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật tặng 184 cổ vật thuộc văn hóa Đông Sơn các thời Đinh, Lê, Lý, Trần...; Công ty TNHH Trục vớt, cứu hộ và kinh doanh nhà Đoàn Ánh Dương tặng 1.420 cổ vật gốm sứ Chu Đậu khai quật ở vùng biển Cù Lao Chàm. Chia sẻ về lý do của việc vận động hiến tặng hiện vật ngay trong dịp này, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hồ Xuân Tịnh cho biết: “Tỉnh đang đầu tư xây dựng lại bảo tàng nên tổ chức phát động sưu tầm để phong phú chủng loại hiện vật trưng bày. Đồng thời nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, chúng tôi muốn tổ chức tiếp nhận hiện vật do các cá nhân, tổ chức có ý muốn hiến tặng cho tỉnh, thông qua đây tổ chức phát động hiến tặng hiện vật ở quy mô lớn. Đây là hoạt động thiết thực nhằm giữ gìn, phát huy giá trị hiện vật và nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ di sản trong nhân dân”.
Chung trách nhiệm
Đợt phát động hiến tặng hiện vật lần đầu tiên diễn ra ở Quảng Nam này, Công ty TNHH Trục vớt, cứu hộ và kinh doanh nhà Đoàn Ánh Dương tặng 1.420 cổ vật gốm sứ Chu Đậu khai quật ở vùng biển Cù Lao Chàm cho Bảo tảng tỉnh. Đây cũng là tổ chức có số lượng hiện vật hiến tặng nhiều nhất. Ông Đoàn Sung - cố vấn Công ty Đoàn Ánh Dương cho biết: “Lần đầu tiên chúng tôi tổ chức hoạt động trục vớt là ở vùng biển Cù Lao Chàm. Chúng tôi đợi chờ từ năm 2004 đến đầu năm 2013 mới có cơ chế phân chia hiện vật. Lúc đó, Bảo tàng Quảng Nam chỉ giữ được rất ít hiện vật về gốm Chu Đậu, trong khi đó, Quảng Nam đã quyết định đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh với quy mô rất lớn. Do đó, chúng tôi quyết định tặng 1.420 cổ vật gốm sứ Chu Đậu trục vớt được ở vùng biển Cù Lao Chàm cho Bảo tàng Quảng Nam để giới thiệu đến đông đảo người dân”.
Đồng thời với công tác tiếp nhận những hiện vật do các tổ chức, cá nhân hiến tặng, nhân dịp này, Sở VH-TT&DL còn tổ chức lễ phát động vận động hiến tặng hiện vật văn hóa. Từ những hoạt động tuyên truyền vận động như vậy, lòng yêu, tự hào về cội nguồn lịch sử cũng như trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản sẽ được “kích hoạt”. Bên cạnh lễ phát động hiến tặng hiện vật, ngày hội di sản năm nay, ngoài việc tổ chức các hoạt động tại 2 Di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn, Sở VH-TT&DL còn phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức đoàn tham gia Ngày di sản văn hóa Việt Nam tại Hà Nội với nội dung trưng bày, giới thiệu quảng bá về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, danh thắng hồ Phú Ninh, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản vật tiêu biểu của địa phương…